Xứng danh học trò xứ Quảng với học bổng ” Bạn tôi người vượt khó”
Hái đậu, cắt lúa, chăn trâu, lột vỏ bạch đàn… hễ có việc nào phù hợp là mấy chị em tính toán nhau làm kiếm tiền qua từng bữa. Các em
Có 6 học sinh của Quảng Nam vừa nhận học bổng “Bạn tôi người vượt khó” của Tập đoàn Tài chính Việt Nam (PPF) thông qua Báo Tuổi Trẻ. Mỗi em mỗi hoàn cảnh nhưng đều chung một điểm: làm rạng danh học trò xứ Quảng.
Ngày Huế nắng ấm
Nhận được thông tin trao học bổng của Tập đoàn PPF, cô học trò Nguyễn Thị Hồng Hương, lớp 9/1 trường THCS Lương Thế Vinh, Tam Thành, Phú Ninh (từng nhận Học bổng Niềm hy vọng của Báo Quảng Nam) không dám nghĩ đó là “thật” khi địa điểm nhận thưởng lại ở… Huế. Từ bé tới lớn, xa nhất trong đoạn đường cuốc bộ của Hương là lùa bò hoặc tìm măng, hái rau má dưới chân núi đá cách căn nhà bên bờ ruộng sâu của em chừng 5 cây số.
Học sinh nghèo hiếu học cùng giao lưu trong chuyến đi tại Huế.
Hương kể: “Nhận được giấy thông báo mà cả 3 cha con cứ ngồi ngẩn ra nhìn nhau. Ba em cả đời cũng chưa từng được đi đâu xa, chỉ quẩn quanh hết ruộng rồi lúa. Xe đạp là thứ quý nhất trong nhà, cũng không biết dẫn em đi Huế bằng cách chi nữa. May mà có thầy giáo đi cùng với em”. Chuyến tàu ra Huế hôm đó Hương gặp cô bạn Phạm Thị Ngọc (lớp 9/2 trường THCS Chu Văn An, Bình Lâm, Hiệp Đức). Gia đình Ngọc cũng nghèo, nghèo lắm. Cũng như Hương, Ngọc mất mẹ từ khi mới 7 tháng tuổi. Vì miếng ăn cho gia đình mà mẹ phải vào rừng kiếm củi, hái rau… Tai nạn ở rừng đã cướp mất mẹ, Ngọc phải về sống với bà ngoại. Năm tuổi đã phải trông nhà, 7 tuổi tự mình nấu cơm, 8 tuổi giúp bà chăn bò, cắt cỏ, giặt quần áo. Khi bà ngoại qua đời, Ngọc lại về sống cùng với ba. Nhưng những tháng ngày êm đềm đó cũng sớm qua, sau một thời gian dài bệnh nặng, cha cũng mất khi Ngọc 12 tuổi.
Phạm Thị Ngọc.
Những khoảnh khắc, dấu ấn không may mắn trong đời được hai cô gái tâm sự với miền đồng cảm. Và điều giống nhau nữa là cả hai đều có thành tích học tập xuất sắc toàn diện. Đôi mắt hoe đỏ nhưng nụ cười vẫn rạng rỡ khi cả hai khoe nhau thành tích học tập. Học bổng “Bạn tôi người vượt khó” của Báo Tuổi Trẻ và Tập đoàn PPF dành cho hai cô gái là sự ghi nhận cho những nỗ lực phấn đấu của các em. Đoạn đường đến Huế như ngắn hơn trong nỗi háo hức, chờ đợi lần đầu tiên được chung vui cùng bè bạn.
Tổng cộng có 120 suất học bổng được trao cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn học giỏi ở khắp các tỉnh thành, mỗi suất học bổng trị giá 4 triệu đồng. Địa điểm được chọn trao ở Huế để tất cả các em có thể hòa đồng, mở lòng ra với bạn bè cùng cảnh ngộ. Và các em thấy rằng mình không hề đơn độc trong cuộc sống vốn đã rất nhọc nhằn với sức vóc tuổi thiếu niên.
Câu chuyện về ước mơ, nghị lực của học trò xứ Quảng ngay trong đêm trao học bổng “Bạn tôi người vượt khó” tại Trung tâm Văn hóa TP.Huế khiến bao người phải ngỡ ngàng. Cô bé “nấm lùn” Võ Thị Thanh Thảo (lớp 10/12 trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ, Đại Lộc) vì tai nạn không thể tham gia chương trình. Nằm trên giường bệnh với tay chân bị gãy, Thảo nói qua màn hình với tất cả bạn bè: “Ước mơ lớn nhất của em vẫn là được đi học, sau này sẽ thi vào Học viện Báo chí tuyên truyền Hà Nội và trở thành một phóng viên”. 15 tuổi, nhưng Thảo chỉ cao 90cm, nặng 12kg. Nhà Thảo nghèo, ba quần quật làm phu than, mẹ làm nông cả ngày để nuôi hai chị em ăn học.
Đỗ Thị Mỹ Lành với thành tích học tập của 5 chị em.
Bắt đầu từ năm lớp 6, Thảo không “lớn” lên như bạn bè. Nhưng liên tục Thanh Thảo luôn đạt thành tích học sinh giỏi, thậm chí đỗ vào trường cấp 3 với số điểm rất cao. Ngoài học giỏi, Thảo còn có năng khiếu kể chuyện và là nhân vật được Đài Truyền hình Đà Nẵng chọn là một trong những tài năng trẻ trong chương trình “Khát vọng tuổi xanh”. Thân hình nhỏ bé, Thảo không tự đi học được mà bạn bè phải luân phiên nhau chở. Ở trường cũng như ở nhà, Thảo luôn được thầy cô, bạn bè, hàng xóm thương yêu hết mực. Mọi chi phí học hành của Thảo đều được thầy cô, bạn bè giúp đỡ. Ông Ajay Bandhu – Giám đốc Tập đoàn PPF thán phục: “Tôi chỉ biết nói là cảm ơn các em đã cho chúng tôi có cơ hội được biết đến những nghị lực phi thường trong đời, đó cũng là cơ hội để cho chúng ta cùng phát triển”.
Hành trình vượt khó
Không phải em nào cũng có đủ điều kiện để về tham dự ngày hội tại Huế. Mỗi em là mỗi hoàn cảnh khác nhau, tìm về mới biết, ngoài những phấn đấu chứng minh mình qua kết quả học tập, các em còn phải gồng gánh cuộc mưu sinh hằng ngày. Đến xã Đại Hưng (Đại Lộc) chỉ cần hỏi nhà của 5 chị em đơn độc học giỏi, bà con hàng xóm ai cũng biết tường tận cuộc sống cơ cực của chị em Đỗ Thị Mỹ Lành (lớp 9 trường THCS Quang Trung). Mẹ bỏ đi, ba rơi vào vòng lao lý và bị giam đã hơn 8 năm. Năm chị em Lành trở thành trẻ không nơi nương tựa phải về tá túc căn nhà của ông nội để lại ở thôn Trúc Hà. Bữa cơm của 5 đứa trẻ lúc nào cũng chỉ rau muống xanh, nước mắm và bắp luộc. Vậy mà cả 5 chị em cùng học giỏi. Khi người chị gái đầu của Lành (là Đỗ Thị Lanh, từng nhận học bổng Niềm hy vọng của Báo Quảng Nam) đỗ đại học, em trở thành trụ cột của gia đình. Lành nói: “Những ngày không học, mấy chị em tranh thủ xin đi làm thuê cho người trong làng.
Cậu học trò “ngửi chữ” Phạm Phú Thịnh trong giờ học hằng ngày.
Hái đậu, cắt lúa, chăn trâu, lột vỏ bạch đàn… hễ có việc nào phù hợp là mấy chị em tính toán nhau làm kiếm tiền qua từng bữa. Các em làm thuê cho bà con làng xóm, vì ở nhà còn có hai đứa em nhỏ không có người chăm sóc”. Trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn, Lành vẫn lao vào học vì biết rằng như thế mới có cơ may thay đổi đời mình. Lành còn nhớ nhiều lúc đau nặng, căn nhà chỉ còn lại mấy đứa em nhỏ dại chưa biết gì, dù phải liệt giường cũng phải ráng gánh nước, nấu ăn, giặt giũ cho em. “Em chỉ mong mấy anh chị em tiếp tục còn được đi học, khó khăn rồi cũng sẽ sớm qua thôi” – Lành tâm sự.
Tiếp tục câu chuyện trong hành trình vượt khó, em Phạm Phú Thịnh (lớp 10/1 trường THPT Nguyễn Dục, Tam Dân, Phú Ninh) đã vượt qua chính mình không chỉ ở thành tích học giỏi. Thịnh gần như là người khuyết tật nhưng “khuyết tật thông minh” đúng như lời trìu mến bạn bè dành cho. Cậu bé Thịnh ngay từ lúc sinh ra đã bị dị dạng giác mạc và đục thủy tinh thể. Thịnh phải học trong một tư thế vô cùng cực nhọc. Đọc sách như đang… ngửi chữ. Tròng đen trong đôi mắt chỉ bằng nửa hạt gạo và mọi thứ chỉ được thấy lờ mờ. Bệnh tật là cản ngại lớn trong hành trình đi tìm con chữ của Thịnh. Dẫu vậy, với nỗ lực phi thường, suốt 9 năm liền Thịnh đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Ngoài ra, em còn đoạt được nhiều giải nhất, nhì… các môn tiếng Anh, toán, hóa cấp huyện, tỉnh. Thịnh nói: “Em nhớ rất rõ từng câu, từng chữ thầy cô đọc trên bảng. Và em có bàn tay thay đôi mắt”.
Ở tuổi thiếu niên với hoàn cảnh éo le, các em cố gắng học để tìm một cơ may nào đó cho mình, thoát khỏi cơ cực. Và chính “nghị lực thép” đã khẳng định rằng, các em xứng danh là học trò đất Ngũ phụng tề phi.
Trả lời